33 món ngon du lịch Việt Nam không thể bỏ qua (Phần 3)

Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh du lịch đẹp, con người hiền hòa mà còn có rất nhiều đặc sản “mê hoặc” du khách.

23. BÁNH TRÁNG NƯỚNG ĐÀ LẠT (LÂM ĐỒNG)

Nếu bạn bỏ qua món bánh tráng nướng, xem như chưa biết đến Đà Lạt đấy! Bên trên có bò khô, xúc xích, phô mai con bò béo béo và lớp trứng gà mỡ hành. Mùi vị bánh giòn giòn, béo béo của phô mai và mùi thơm từ thịt khô bò. Thưởng thức món này khi đêm về, lúc tiết trời lành lạnh thì không còn gì hấp dẫn bằng.

24. BÁNH XÈO PHAN THIẾT (BÌNH THUẬN)

Không to đùng như những chiếc bánh thường thấy đổ trên chiếc chảo nhôm, ngấn mỡ như bánh xèo Sài Gòn, bánh xèo Phan thiết nhỏ hơn, nhiều thịt hơn, có sức quyến rũ riêng của nó, bánh chiên giòn thật giòn, vừa vào miệng đã nghe như mọi giác quan được đánh thức.

25. BÁNH TRÁNG ME TÂY NINH

Bánh tráng me không quá đơn giản như chiếc bánh tráng muối ớt cay xé lưỡi hay quá lộn xộn như món bánh tráng trộn, vốn luôn được gia giảm nguyên liệu rất… tùy hứng của các lò bánh, cái vị chua của nước me chín, vị cay xé của ớt, vị béo giòn của đậu phộng rang tạo nên một hương vị quyến rũ, khó quên.

26. CƠM TẤM SÀI GÒN

Cơm tấm là món ăn bình dị nhưng nổi tiếng của đất Sài Gòn với nhiều nguyên liệu ăn kèm hấp dẫn như: Sườn, phá lấu, chả, nem… khiến thực khách khó có thể bỏ qua khi đến nơi này.

Cơm tấm Sài Gòn.

27. GÀ QUAY XÔI PHỒNG BÌNH DƯƠNG

Ở Bình Dương, món gà quay được ăn kèm với xôi phồng. Xôi có nhiều loại: Xôi đậu đen, đậu xanh, đậu phộng, xôi gấc, xôi cúc. Một đĩa xôi phồng tròn to chiên vàng đều đặn đặt bên cạnh một đĩa gà quay chín thơm, béo, ai trông thấy cũng muốn ăn. Ai có dịp qua Bình Dương đều không thể bỏ qua món ăn đặc sản này.

28. GỎI SẦU ĐÂU CHÂU ĐỐC (AN GIANG)

Món ăn là sự pha trộn giữa vị đắng của lá sầu đâu, cái mằn mặn của khô cá sặt, vị chua của xoài, hương thơm nồng các loại rau rất hấp dẫn.

29. GỎI BA KHÍA BẠC LIÊU

Ba khía là một loại cua theo cách gọi của người Việt (món ăn này có nguồn gốc từ dân tộc Khmer). Trước khi dùng, ba khía có thể được nêm một số gia vị như đường, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó. Người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều gia vị, để khoảng 15 phút cho gia vị ngấm là ăn được.

30. BÁNH PÍA SÓC TRĂNG (BÒ NƯỚNG XẺNG)

Bánh pía từ lâu đã là một đặc sản không thể bỏ qua khi đến Sóc Trăng. Thưởng thức vài chiếc bánh cùng ngụm trà gừng, buôn đôi ba câu chuyện thêm ấm lòng du khách.

31. CHUỘT ĐỒNG, CHUỘT CỐNG NHUM CAO LÃNH – ĐỒNG THÁP

Chuột có nhiều cách chế biến như xào lăn, xé phay, nướng, xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… mỗi món mang một hương vị khác nhau. Người ta hay ướp tỏi và rượu đơn giản trước khi nướng chuột tươi trên than hồng đến khi chín vàng là được.

32. BÁNH KHỌT VŨNG TÀU

Chiếc bánh có hình dáng như bánh căn của người miền Trung, được làm từ bột gạo, có nhiều loại nhân và chỉ đổ với nhân tôm, bề mặt màu trắng tinh, điểm xuyết lên đó là màu đỏ gạch của tôm, màu xanh của hành thái nhỏ.

33. LẨU MẮM U MINH (CÀ MAU)

Mắm được nấu rã thịt, lọc kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẩu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sả bằm mịn, phần gốc sả đập dập cho vào lẩu. Để làm cho nước lẩu có vị béo, thơm và sánh, người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Đến U Minh đừng quên thưởng thức món lẩu mắm cực ngon này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    
         
0913.842.059
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon