“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”
Đôi nét về Bánh ít lá gai Bình Định
Một món ăn mà đi vào ca dao có nghĩa là đã có từ lâu lắm. Là hình ảnh đại diện. Là đặc trưng văn hóa của một vùng đất và là tên tuổi. Là thương hiệu có khi là của cả một dòng tộc, truyền đời. Bây giờ chỉ cần nói “bánh ít lá gai” là người ta sẽ nhớ ngay đến Bình Định. Và các món đặc sản quê hương Bình Định. Quà mang về Sài Gòn là những chiếc bánh ít lá gai ấm nóng. Để những lúc đi ngoài phố bất chợt nhìn thấy mẹt bánh bày bán bên đường lại thấy nhớ sao là nhớ những mâm bánh quê đã đi vào ký ức nhớ thương của biết bao người.
Làm bánh ít lá gai Bình Định
Cách làm có vẻ giản đơn nhưng kỳ thực lại không dễ chút nào. Lá gai xanh nhưng khi nhồi với bột sánh mịn lại trở nên màu đen tuyền. Bột phải vừa khéo để không quá cứng cũng không quá nhão. Bánh lá gai có thể gói hình tam giác như bánh ít miền Tây. Nhưng cũng có thể gói thành hình dẹt như bánh nậm. Người làm bánh cũng phải có sức dẻo dai lắm. Một chiếc bánh ít lá gai “đạt chuẩn” là bánh mềm, vỏ bánh mịn, nhân thơm, ngọt vừa đủ.
Những dịp Giỗ Chạp mới làm món bánh này. Mỗi lần làm đến cả hàng trăm cái. Để mang cho hàng xóm và con cháu làm quà về thành phố. Làm bánh không đơn giản là làm bánh, mà đó còn là một “cuộc vận hành của đôi tay và tư duy”. Là một cuộc “khám phá văn hóa” của đất và người, của lịch sử và những giá trị tinh túy của ẩm thực.
Bánh ít lá gai lưu giữ tuổi thơ ta
Những món bánh quê nuôi tuổi thơ ta, theo ký ức đi xa rồi năm tháng lớn lên cùng cuộc đời. Ngày bé, ăn bánh chỉ có nghĩa là ăn bánh. Bây giờ, mỗi một món bánh quê lại là một hồi ức bùi ngùi. Để người ta nhận ra dù ngày tháng có lùi lại thì ký ức vẫn giữ lại hết. Neo đậu lại trong tâm hồn của mỗi người là một chốn bồi hồi xốn xang. Mà chỉ cần vô tình nhìn thấy trong phút giây tình cờ cũng đủ khiến những cảm xúc òa vỡ, nhớ nhung. Như một hôm giữa trưa nắng Sài Gòn oi bức người ngồi trước vô lăng bất ngờ nhìn thấy tấm bảng “bánh ít lá gai” được viết bằng phấn trắng lô xô trong dòng người xe trên phố đông…
Ký ức về những món bánh nhắc ta điều gì?
Nhắc nhớ về những giấc mơ trẻ con và những thân phận người trên cánh đồng năm cũ.
Nhắc nhớ về những buổi chiều hôm bên bếp hồng vừa đun củi vừa hít lấy hít để mùi bánh thơm lành. Rồi hồi hộp chờ bánh chín.
Nhắc nhớ về năm tháng gia đình, hàng xóm ngồi quây quần bên vuông sân cùng nhau rọc lá chuối. Lao xao nói cười.
Nhắc những ngày băng đồng mang bánh đi chia cho từng nhà trong xóm ấm áp nghĩa tình.
Và nhắc tôi nhớ cả những ngày một mình lầm lũi ngồi đãi đỗ xanh. Sên nhân, nhào bột, gói bánh và hấp bằng nồi cơm điện trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.
Bánh ít lá gai – niềm vui bé mọn
Sài Gòn bánh trái chẳng thiếu, nhưng sao lại cứ muốn mình tự bày ra đó mâm lá. Tự tay làm những chiếc bánh. Hấp cả niềm vui bé mọn. Làm bánh để được tự do trả mình về với thời trẻ con hồn nhiên. Để được sống chậm trong yên tĩnh thanh khiết. Không lo lắng, không nghĩ suy gì về cuộc sống bất an ngoài kia. Rằng chúng ta chỉ có hiện tại, ngay bây giờ. Là lúc này đây chỉ có những chiếc bánh, mùi thơm và những hương vị thương nhớ cũ.
Bánh ít lá gai thời hiện đại
Hiện tại của những chiếc bánh mang mình rời khỏi hiện tại của cuộc sống từng ngày. Là khi chỉ cần đọc báo là có biết bao tin tức thương đau. Hiện tại của những chiếc bánh đẹp đẽ như mùi khói bếp năm nào mẹ nhóm. Còn mình thì phùng má thổi lửa rồi mặt mày đầy lọ nghẹ. Giá mà năm tháng đó những đứa-trẻ-sống-lâu-năm đều đã từng nhận diện được. Rằng chúng đã từng có những ngày tháng hạnh phúc nhất trên đời.
Bây giờ đi ngang qua những mâm bánh quê, tôi hay tự nhủ lòng mình. “Mua đi tôi ơi, mua giùm tha nhân, mua giùm cho mình ký ức…”