Tôi đang loay hoay tìm ý tưởng viết về chả ram tôm đất Bình Định thì tình cờ gặp được bài viết “miếng chả ram và chuyện giao lưu văn hóa” của Mỗi tuần một công việc.
Bài viết rất có chiều sâu pha lẫn niềm tự hào quê hương xứ sở. Tôi xin phép giới thiệu lại cho mọi người đọc và cảm nhận tùy theo mỗi góc độ riêng tư. Tôi giữ nguyên bản chính chỉ “nhẫn nhá” vài tiểu mục cho phù hợp với trang của tôi thôi.
Đêm văn hóa ‘ASEAN night’
Sáng nay ngồi cafe tí rồi tự dưng nhớ lại mấy miếng chả ram giòn rụm mà mình đem qua Phi. Đầu óc ong ong từ lúc về lại Sài Gòn tới giờ. Chắc do thay đổi thời tiết. Với lại có vẻ như ở chỗ không khí trong lành, sạch giờ về lại phố thị hơi ô nhiễm nên bị ngợp. May sao, cuốn chả cứu vớt để đầu óc mình bớt quay cuồng.
Khi nhận được thông tin của Ban tổ chức về đêm văn hóa ‘ASEAN night’. Và đề nghị những bạn tham dự ngoài mặc quốc phục thì nên mang theo các món ăn đặc trưng của quốc gia mình. Như vậy để chia sẻ và giới thiệu. Các bạn trong team xôn xao. Và đề nghị nhiều món nào cốm, nào kẹo dừa, nào hạt sen. Mình đã bí lù. Nhưng ngay lúc đó thì có ý tưởng lóe lên, thiệt là may sao.
Trước đó mấy ngày, Má gọi điện rồi gửi vào cho mình một ít chả ram. Với mình, cùng với phở khô Gia Lai, bò khô dì Ẩn thì chả là thứ mà có đi đâu đi nữa thì mình cũng không quên được. Lúc nào cũng như thèm thuồng những thứ ấy. Ăn đặc sản là nhớ quê hương. Có thằng cu học khóa dưới ở đại học từng nói như thế và với mình nó đúng lắm.
Chả ram mang cả nền ẩm thực nước nhà
Nhưng hơn thế, mấy món đơn giản trên còn bao hàm cả những nét đặc sắc về văn hóa trong đó nữa. Bởi nghĩ xem, đâu phải vùng nào cũng có chả ram. Phở khô Gia Lai độc nhất chỉ ở Gia Lai mới có. Sau này mới thấy thêm nơi khác, nhưng vị thì không như ở Pleiku được. Hay như khô bò dì Ẩn. Với sản lượng chỉ nhỉnh hơn 20 chục ký mỗi ngày. Được làm tay hoàn toàn và lúc nào cũng ở tình trạng cháy hàng.
Và cũng chỉ bò khô của Dì mới ra được kiểu như thế. Vậy thì nhất thiết phải đặt câu hỏi. Vì sao vùng ấy, con người ấy lại làm ra những sản vật như thế. (Mà họ không hề nghĩ nó là sản vật). Lần này, mình sẽ chỉ nhắc đến chả ram như nhân vật chính bởi nó liên quan đến chuyến đi Phi vừa rồi.
Giao lưu văn hóa bằng chả ram mẹ gởi
Như vừa nói, Má gửi cho mình ít chả ram và ý tưởng lóe lên là mình có thể mang chả ram đi xứ người. Nó làm mình nhớ đến hồi U19 Việt Nam đi đá ở Mã Lai, anh bạn dẫn đoàn U19 đi và cũng chịu trách nhiệm chuyện ăn uống cho U19 đã đặt mình rất nhiều bò khô Gia Lai của dì mình để đem qua cho U19 ăn cho đỡ nhớ quê, rồi phần vì U19 lúc ấy nhiều bạn Gia Lai, phần vì mấy món ở Mã Lai không vừa miệng mấy bạn lắm.
Lần này mình đã chọn chả ram. Ngoài sự tình cờ Má gửi thì việc chọn chả ram mang đi cũng có những ý nghĩa riêng của nó.
Người Việt rất thích món cuốn, đi dọc Bắc Nam sẽ thấy có nhiều nơi có các món cuốn từ kiểu bánh cuốn nóng ở ngoài Bắc đến kiểu bánh cuốn Bình Định, bò bía ở trong Nam.
Chả giò cũng là một món cuốn mà nhiều người Việt rất thích và các bạn nước ngoài cũng thật ưa. Khác với những vùng khác, ở khúc miền Trung, nhất là Quảng Ngãi, Bình Định, vào tới Khánh Hòa, người ta thích ăn chả ram mà mình đồ rằng dân gốc Bình Định, hoặc gốc An Khê (Tây Sơn thượng đạo) như mình thuộc dạng ghiền chả ram hạng nhứt.
Chả giò, chả ram
Trong khi chả giò thường nhiều nhân và xốp thì chả ram thường không có nhiều nhân bởi cái quan trọng của chả ram là độ giòn. Ở ngoài mình, người ta có thể kết hợp chả ram với bất kì món ăn nào mà thường nhất vẫn là bánh tráng cuốn, bún thịt nướng, bánh mì.
Lúc này cho dù bánh mì có mềm cỡ nào thì có chả ram vào vẫn cứ giòn như thường. Bánh cuốn có chả ram, thịt nướng, nem nướng, rau, bánh hỏi chấm với mắm đậu phộng có pha chút nước thịt nướng phải nói là ngon số dzách với giá dao động từ 10 – 20k. Ngon lành, bổ dưỡng, no và rẻ.
Nhưng chả ram cũng có thể là snack, ăn lúc buồn miệng, ăn không hoặc chấm nước mắm, hoặc chấm xì dầu chi cũng ngon. Vì tính tiện dụng, dễ làm và có thể nhai ‘xẩu xẩu’ trong lúc chờ món chính nên loại chả này thường được dùng trong mấy bữa cúng giỗ, cả trong tiệc cưới.
Truyền thuyết chả ram
Mình chẳng biết chả ram có từ lúc nào nhưng có chuyện rằng “Theo truyền thuyết và dã sử, khi nghĩa quân Tây Sơn làm cuộc hành quân thần tốc ra tiêu diệt quân Thanh, giải phóng Thăng Long khỏi sự xâm lược của chúng, vua Quang Trung được một vị tướng giỏi việc hậu cần là Đô đốc Bùi Thị Xuân đảm trách lương thảo.
Bà đã có sáng kiến dùng bánh tráng làm lương khô. Vừa ăn vừa hành quân mà mang vác cũng gọn. Đã không mất thời gian dừng nấu cơm lại không lộ bí mật. Bánh tráng đem vào đến tận lúc quân ta thắng trận Đống Đa. Nó còn góp vào bữa tiệc khao quân mừng chiến thắng. Trong Tết khai hạ như lời hứa của Quang Trung khi làm lễ xuất quân.
Có lẽ vì vậy người Hà Nội, rộng ra là người miền Bắc, mới gọi là bánh Đống Đa, lâu dần thành bánh Đa cho gọn. Có lẽ từ lúc này cũng có luôn món chả ram rồi chăng?
Dông dài vậy, là có ý. Món chả ram đơn giản ấy có thể nói lên được cả cái chung lẫn cái riêng của người Việt mình. Cái chung là tánh thích mấy món cuốn cuốn. Cái riêng là đặc trưng vùng miền. Và trong đó có thêm câu chuyện riêng của từng gia đình, từng cá nhân nữa.
Tính độc đáo và sáng tạo
Chả ram còn là câu chuyện về tính ‘hòa’. Tức từ một cái chung ấy mà người ta sáng tạo ra những nét riêng, độc đáo. Tùy theo thổ nhưỡng, đặc điểm địa lý từng vùng. Và tính ‘cộng’ tức khả năng ứng dụng, kết hợp nó với những sản vật khác. Để từ đó tạo nên sự đa dạng của các món ăn và cách chế biến.
Hơi uổng vì đã không có nhiều thời gian để giới thiệu thêm về chả ram. Nhưng dù sao thì cũng nhiều bạn đã thử. Và cuối cùng cũng hết sạch ngay tối hôm ấy trong khi những món khác vẫn còn.
Lựa chọn sản vật nào đem ‘khoe’ với bạn bè quốc tế. Và kể chuyện về nó xem ra không quá khó. Khi mình có thể gắn kết được với mấy điều nhỏ xíu xung quanh ở nơi mình sống và gắn bó. Cùng với kiến thức về lịch sử, văn hóa, cách ‘đi khoe’ như vậy tạo được thiện cảm cho người nghe hơn và khuyến khích họ tìm hiểu về mình nhiều hơn.
Viva chả ram!